HOA HỒNG TRẮNG - Chương II: Trở về cố hương

HOA HỒNG TRẮNG - Chương II: Trở về cố hương
Chiếc tàu I - rông - đen khởi hành từ hải cảng Mác Xây bên Pháp, trên đường sang Đông Dương đã gần một tháng. Phần lớn hành khách trên tàu là những nhà buôn giàu sụ, dăm nhà du lịch, vài nhà báo vừa Pháp vừa Phi Châu. Đặc biệt có một số sĩ quan Pháp mới tốt nghiệp trường Võ Bị Sanh Sia được gửi sang bổ sung cho những đơn vị dã chiến ở Việt Nam. Ngoài số người kể trên, còn có vài chục sinh viên Việt Nam, con cháu những người giàu, du học ở Anh, Pháp, Ý, Đức, .... cũng đáp tàu về nước. Trong số này, phần lớn là những sinh viên ít tuổi, hăng hái hoạt động, họ chỉ có một ý nghĩ đơn giản: Ở Việt Nam đang loạn lạc, từ năm 1945 đến nay, sau khi Việt Minh cướp chính quyền, quân Tàu Tưởng và Anh - Ấn sang tước khí giới Nhật, rồi quân Pháp núp sau thế quân đội Anh - Ấn lại trở mặt gấy chiến với Việt Minh ở Nam Bộ. Đến tháng 12 năm 1946, quân Pháp chính thức tấn công chiếm Hải Phòng, Hà Nội và trở lại thống trị nhân dân Việt Nam. Nhưng Việt Minh đã rút ra khỏi các thị trấn được an toàn và phát động du kích chiến khắp nơi, làm cho sự buôn bán kinh doanh của gia đình họ bị đình trệ, không còn đủ sức gửi tiền sang nuôi họ ăn học được nữa, thành thử họ phải trở về, đem "tài ba" ra "giúp nước", theo lời kêu gọi của thủ tướng Nguyễn Văn Thinh, trước khi ông ta tự tử.
Hiện nay ông Nguyễn Văn Xuân, một người Việt Nam vào làng Tây đang nắm quyền, cũng có vẻ sính tụi sinh viên ở Pháp lắm, thế là họ tình nguyện về nước cộng tác với chính phủ Xuân để mưu đồ công danh sự nghiệp.
Trong số này, nếu ta để ý thì sẽ thấy có một chàng sinh viên vừa ở Ý về, xem chừng là con nhà gia thế, có khuôn mặt rất đẹp trai, mắt sáng, lông mày thanh tú, mũi thẳng, mặt trắng trẻo, má còn như bụ sữa, cái miệng khi nói có đôi chút kiêu kỳ; chứng tỏ chàng ta được nuông chiều từ nhỏ.
Chàng ta ở riêng một căn phòng hạng nhất trên tàu, suốt ngày chỉ nằm dài đọc sách, xem báo, ít ra ngoài tiếp xúc với bạn đồng hành. Chỉ những buổi sớm, gã trở dậy, sau khi người phục vụ đã đem nước cho gã rửa mặt, gã ra sân tập vài động tác thể dục, thở hít khí trời trong trẻo ban mai, sau đó xuống buồng ăn điểm tâm. Các sinh viên gặp gã có bắt chuyện nhưng gã chỉ trả lời qua quýt hoặc nhếch mép cười nửa miệng.
Gã tên là Nguyễn Bảo Trung, vừa ở Viên về theo thư gọi của bố là Nguyễn Ứng Lại, một nhân vật quan trọng, có thế lực ở Pháp. Bảo Trung được gọi về Pháp để nhận lệnh của bố, phải về Việt Nam giúp chính phủ Nguyễn Văn Xuân trong việc tổ chức quân đội quốc gia, vì trước đây một tháng, đại tá Nguyễn Toàn Cơ, bạn chí thân của Ứng Lại, hiện đang phụ trách cơ quan an ninh mật vụ ngoài Bắc Việt có viết thư cho Ứng Lại nói rõ khó khăn ở trong nước, nhất là ở ngoài Bắc. Quân du kích Việt Minh hoạt động ráo riết ở khắp mọi nơi, tổ chức an ninh và hệ thống ngụy quyền rất lỏng lẻo, lại thiếu sĩ quan có khả năng, Ứng Lại hứa với Toàn Cơ sẽ cho con trai mình, vừa tốt nghiệp trường Sĩ Quan Tham Mưu Mút Sô bên Ý trở về Việt Nam "giúp nước".
Bản thân Bảo Trung bị bố gọi về một cách đột ngột, gã không lấy gì làm vui vẻ cho lắm vì gã đang sống phè phỡn trong dịp hè, giữa thủ đô Vien tưng bừng náo nhiệt, bên dòng sông Đa - Nuýp thơ mộng, cạnh mấy cô đào lẳng lơ.
Sau khi về gia đình gặp bố, và cũng do tính hiếu động của tuổi trẻ, Bảo Trung hăng hái nhận nhiệm vụ, gã cũng muốn áp dụng những điều học được vào thực tế với một quyết tâm chống cộng sản mà ở trường người ta đã nhồi vào sọ gã. Gã còn nhớ mãi câu nói của tên tướng Rít - Phây, huấn luyện viên của trường rằng: "Trên thế giới này, ở đâu có bàn tay cộng sản thì ở đó có chiến tranh, phải tiêu diệt cho hết cộng sản thì giai cấp chúng ta mới có thể sống được". Gã đã lấy câu nói đó làm phương châm. Dù có nhớ nhung luyến tiếc cuộc sống xa hoa chăng nữa, gã cũng không quên được nhiệm vụ và mục đích mà nhà trường đế quốc đã huấn luyện cho gã.
Trước khi từ giã Paris, bố gã đã chuẩn bị cho gã rất chu đáo trong cuộc hành trình, vì vậy gã được thuyền trưởng và các nhân viên trên tàu kính nể.
Về nước chuyến này, có lẽ sẽ được gánh vác một trọng trách trong quân đội quốc gia, nên gã phải giữ bí mật nhiệm vụ của mình, gã không tiếp xúc với các sinh viên khác cũng bởi lý do đó.
Tàu cập bến Sài Gòn, đa số các sinh viên quê ở Nam Bộ đều lên bờ. Bảo Trung, đáng lẽ đáp máy bay ra Bắc thì nhanh hơn, nhưng gã được thuyền trưởng cho biết tàu I - rông - đen chỉ ở Sài Gòn vài ngày rồi ra Bắc. Bởi thế, gã thay đổi ý định, không đi máy bay nữa mà ở lại Sài Gòn chơi mấy ngày cho thỏa thích, vì gã biết rằng ra Bắc sớm chỉ tổ chết ngốt với cái không khí oi bức mà thôi.
Ngày hôm ấy, gã đánh điện báo tin cho đại tá Toàn Cơ biết và nói rõ ý định của gã. Nhận được điện, Toàn Cơ rất mừng, căn dặn gã phải giữ gìn sức khỏe, khi nào tàu ra đến Hải Phòng, Toàn Cơ sẽ cho máy bay xuống đón.
Năm ngày sau, tàu I - Rông - Đen lại khởi hành ra Bắc, kỳ này, tàu vận chuyển một số lượng lớn gạo, thực phẩm cùng hàng hóa và có thêm những nhà buôn Hoa kiều, một số sinh viên ra Bắc thăm gia đình, và một số chính khách đang công cán trong chính phủ.
Sau bao nhiêu năm xa đất nước, nay trở về, được thấy tận mắt những sinh hoạt của đồng bào ở cố hương, Bảo Trung cảm thấy bồi hồi tuy trong nước còn đang xảy ra chiến tranh ác liệt giữa quân đội Viễn Chinh Pháp và lực lượng kháng chiến Việt Minh.
Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, tri thức, Bảo Trung được nuông chiều nhất mực, từ nhỏ , gã theo cha sang Pháp. Sau khi tốt nghiệp trung học, gã vào học tại trường luật ở Paris, nhưng vì đại chiến thế giới bùng nổ nên việc học bị gián đoạn. Tới khi đại chiến kết thúc, gã nhận thấy rằng trong thời đại chiến tranh, phải làm một anh quan võ thì mới vẻ vang. Từ đó gã quyết tâm theo học trường quân sự.
Giờ đây ước vọng của gã sắp thành sự thật, chỉ ít ngày nữa gã sẽ đàng hoàng đeo lon sĩ quan và phụ trách một công tác đặc biệt trong quân đội quốc gia thuộc khối liên hiệp Pháp. Đối với gã, như vậy đã là đem "tài ba giúp nước" rồi.
Đứng trên tàu, Bảo Trung đưa mắt nhìn những hành khách đang hối hả bước lên những bậc thang, gã để ý trong số hành khách mới, có một thanh niên mặt mũi sáng sủa, khỏe mạnh, một tay xách chiếc vali, một tay vác chéo chiếc đàn ghi ta trên vai. Chàng thanh niên này rất vui vẻ cởi mở với những người xung quanh, anh ta đang ghé vai để cho một ông cụ già vịn cho đỡ mỏi khi bước lên tàu. Khi đi qua trước mặt Bảo Trung, người thanh niên ấy còn cúi xuống nhặt giúp gã chiếc khăn mùi xoa mà trong khi mải chú ý nhìn mọi người, gã đã đánh rơi. Khi trao trả chiếc khăn, người thanh niên mỉm cười nhìn Bảo Trung với con mắt rất thiện cảm và nói:
- Ồ, anh có chiếc khăn đẹp quá, thế mà để rơi bẩn mất!
Bảo Trung cũng mỉm cười, gã kiêu kỳ trả lời bằng tiếng Pháp:
- Cảm ơn anh, tôi mải nhìn mọi người nên sơ ý.
Người thanh niên cũng hỏi lại gã bằng tiếng Pháp:
- Anh về Hải Phòng hay Hà Nội?
- Tôi về Hà Nội
Chàng thanh niên lịch sự chìa tay ra bắt và nói:
- Tôi cũng về Hà Nội, rất hân hạnh được làm quen với anh.
Lần đầu tiếp xúc với một thanh niên Việt Nam, Bảo Trung thấy thoải mái dễ chịu, gã tự nhiên có cảm tình ngay, gã niềm nở và vui vẻ:
- Rất mong được làm quen với anh, chúng ta sẽ là bạn đồng hành.
- Tôi ở căn buồng gần đây, thật may mắn được gặp anh.
Nói xong, người thanh niên gật đầu tạm biệt để mang đồ đạc về buồng mình. Bảo Trung nhìn theo vẻ thiện cảm.
Ngày hôm ấy, họ đã làm quen với nhau. Người thanh niên tự giới thiệu là Hoàng Ánh, sinh viên y khoa năm thứ nhất, cha là dược sĩ ở Hà Nội, có biệt thự ở gần bãi biển ngoài Đồ Sơn, nhân dịp này về thăm gia đình và nghỉ hè luôn thể.
Bảo Trung cũng giới thiệu mình là sinh viên trường luật ở Paris nghỉ hè về thăm ông bác ở Hà Nội, gã giấu tên thật, xưng tên là Phan Trường.
Chỉ vài ngày sau, họ đã trở thành một đôi bạn. Có lúc Bảo Trung ngồi chơi ở phòng Ánh, có lúc Ánh nằm dài tán ngẫu bên phòng Bảo Trung, lúc họ nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, lúc nói bằng tiếng Pháp, tâm đầu ý hợp chẳng khác nào đôi bạn cũ.
Bảo Trung nhận thấy người bạn mới có nhiều đức tính đáng mến, nhất là ý thức chống cộng của anh ta rất rõ ràng. Thật là một người cùng chí hướng!
Cuộc hành trình của chiếc tàu I - rông - đen từ Sài Gòn ra Bắc gặp nhiều thuận lợi. Đôi bạn Trường và Ánh ngày càng mật thiết, Bảo Trung đã không e ngại gì nữa, hàng ngày hàn huyên, trao đổi về học tập, tình hình thời sự, hoàn cảnh gia đình, đời tư, nhưng có điều Bảo Trung giấu kín là việc đi học sĩ quan tham mưu và công tác đang chờ đợi. Gã nói: "Có lẽ sau này tôi sẽ làm luật sư ở một tòa án nào đó ...."(1) (Đoạn này tự ý thay đổi từ "gã" sang "tôi" vì lời dẫn đang nói đây là lời của Bảo Trung)
Về phía Ánh, anh ta về thẳng Đồ Sơn, nơi có biệt thự để nghỉ mát, có lẽ cha mẹ anh cùng cô em gái đã về đây rồi. Em gái Ánh, hiện nay đang theo học y dược ở Hà Nội. Nhân dịp này, Ánh ngỏ ý muốn mời Bảo Trung về nhà mình chơi ít ngày sau sẽ cùng lên Hà Nội cũng không muộn. Bảo Trung nhận lời, gã cũng muốn ngao du cho biết đây biết đó ngoài xứ Bắc nên thơ. Thấy Ánh nói có cô em gái tên Lan cũng về nghỉ hè, nên gã càng cảm thấy phấn khởi.
Tàu cập bến Hải Phòng, Ánh và Bảo Trung cùng vào khách sạn Nam Phương nghỉ ngơi. Hai người cùng đánh điện báo tin cho người nhà biết để đón. Bảo Trung báo cho Toàn Cơ biết ý định muốn ra Đồ Sơn nghỉ ngơi ít ngày cho lại sức, Toàn Cơ rất đỗi vui mừng, chiều ý gã, chỉ khuyên: Phải cẩn thận, nên liên lạc với Sở an ninh Hải Phòng xin lính đi hộ vệ, vì từ Hải Phòng đi Đồ Sơn dạo này có nhiều du kích hoạt động. Khi tới Đồ Sơn thì ra ngày khách sạn dành riêng cho các sĩ quan mà nghỉ. Mặt khác, Toàn Cơ ra chỉ thị cho Sở an ninh Hải Phòng và Kiến An tăng cường các biện pháp kiểm soát và bảo vệ khu vực nghỉ mát của các sĩ quan. Do tính ham phiêu lưu mạo hiểm, hai thanh niên đáp chuyến xe thường xuống Đồ Sơn. Vả lại, Bảo Trung cũng sợ rằng: càng tiền hô hậu ủng càng dễ lộ chân tướng nên gã theo Ánh về Đồ Sơn như những người du lịch khác. Cuộc hành trình do đó cũng rất thoải mái và thú vị.
Cứ trông hai chàng thanh niên ngồi gần nhau, ai cũng bảo là anh em, vì hai người cũng có một khuôn mặt giống nhau, duy Ánh trông già dặn và đen hơn đôi chút. Chẳng mấy chốc xe đã đến khu vực Đồ Sơn. Xe vừa dừng lại thì một ông già khỏe mạnh, dáng chừng là lão bộc chạy vội đến bến xe. Khi hai người vừa bước xuống, ông lão gọi rối rít:
- Cậu Ánh! Cậu Ánh! Cháu ra đón cậu đây.
Ánh mừng rỡ reo lên:
- Ồ, già Thuân! Già ra đón tôi à? Cậu mợ tôi có khỏe không, em Lan tôi đã về chưa?
Già Thuân đáp:
- Ông bà vẫn khỏe, mong cậu lắm! Còn cô Lan cũng mới về hôm kia. Cả nhà đang đợi cậu. Được tin cậu về, tôi ra từ sớm đón cậu đấy! - Đoạn già Thuân trỏ Bảo Trung hỏi - Thế còn ai về với cậu đấy?
- A, giới thiệu với già: anh Phan Trường, bạn thân của tôi cùng về chơi ít ngày. - Rồi Ánh vui vẻ giới thiệu với Bảo Trung - Đây là già Thuân, cũng ở với gia đình tôi từ thuở tôi còn nhỏ, một người lão bộc rất trung thành.
Già Thuân vội vàng xếp mấy chiếc vali vào đòn gánh quẩy đi trước, vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ, làm Bảo Trung cũng thấy vui vui.
Cậu ấm này về Đồ Sơn chơi có hai lý do. Một là sau cuộc hành trình dài, được nghỉ ngơi mát mẻ sẽ lấy lại sức khỏe mau chóng. Hai là quen biết thêm gia đình Ánh. Thấy Ánh nói em gái Ánh cũng đã về, Bảo Trung đã hình dung ra một cô gái có nước da trắng mịn, đôi mày lá liễu, đôi mắt bồ câu mơ màng say đắm, đôi môi đỏ thắm và hàm răng ngà với những ngón tay búp măng mềm mại. Trong những ngày đẹp đẽ vui tươi này, có bạn hiền tri kỷ, lại có người đẹp ở bên thì còn gì thú vị hơn? Gã thấy tâm hồn nhẹ nhàng lãng quên hết cả mệt nhọc.
Riêng Ánh càng về gần đến nhà thì như có điều gì suy nghĩ, ít nói hơn. Thi thoảng anh nói thầm với già Thuân điều gì không rõ, trong ánh mắt hai người vụt lên những tia khác thường mà Bảo Trung không để ý thấy. Đột nhiên Ánh quay sang hỏi Bảo Trung:
- Anh Trường có nhận thấy phong cảnh đất nước ta đẹp không?
- Ồ, thật là tuyệt diệu, tôi đã qua Thụy Sỹ, qua Viên, qua Luân Đôn nhưng không đâu có phong cảnh đặc biệt như ở nước nhà. Tiếc rằng còn đang chiến tranh, mai sau quét sạch được tụi Việt Minh, tôi sẽ bảo ba tôi về đây xây một biệt thự để mùa hè về nghỉ mát thì vui biết chừng nào! - Gã nói, giọng mơ màng.
- Tiếc rằng hiện nay còn chiến tranh, một cuộc chiến tranh không giới hạn - Ánh nói bâng quơ
- Đấy! Ta phải tiêu diệt hết bọn phiến loạn Việt Minh, bọn cộng sản trong nước, để giành lấy cuộc sống tự do của chúng ta. Và sẽ xây dựng một thế giới dân chủ mà chúng ta là những người tri thức, phải nắm quyền lãnh đạo. Anh có đồng ý không?
Ánh gật gù không trả lời, và dù anh có trả lời thì Bảo Trung cũng chằng hiểu gì hết.

Hoa Hồng Trắng - Chương I: Chiến công của tên đồn trưởng

Chương I: Chiến công của tên đồn trưởng
Mặt trời như trút lửa xuống ruộng đồng, cây cối im lìm, không một làn gió thoảng qua, mặt đường nóng bỏng, vắng bóng người lai vãng, sau vài khóm tre xơ xác tiêu điều, ẩn hiện những mái nhà tranh bạc phếc.
Trên con đường đất từ Kiến An về Đồ Sơn có hai chiếc xe Zeep nhà binh mở hết tốc độ lao vun vút, cuộn lại sau một lớp bụi mờ. Hai chiếc xe chạy đến ngã ba thì dừng lại.
Từ chiếc xe đi trước nhảy xuống ba tên lính đeo súng MAT* mặt mũi đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, một trong ba tên quay lại chiếc xe sau hỏi:
- Ngài đồn trưởng cho chúng tôi giải khát chứ ạ?
Từ chiếc xe sau bốn tên nhảy xuống, bọn chúng cũng ướt đẫm mồ hôi, một tên đeo lon trung úy có bộ mặt lưỡi cày dài ngoẵng, cái sống mũi gồ, cặp mắt xếch và đôi lông mày rậm, hắn khoát tay ra lệnh:
- Vào hàng cô Mơ! - Rồi khệnh khạng tỳ tay phải vào chuôi khẩu côn bát đeo lung lẳng bên cạnh sườn, hắn ngất ngưởng đi vào quán, theo sau là những tên lính tùy tùng.
Trong quán có mấy bà đi buôn, gồng gánh thúng mủng, đang lấy nón ra sức quạt, khi thấy bọn chúng vào vội vàng nem nép dồn vào một góc. Còn cô chủ quán trạc hăm bốn hăm nhăm tuổi, vấn tóc trần, mặc áo phin nõn bó chặt bộ ngực phồng căng, đang vội vã lấy khăn lau sạch chiếc bàn đã được phủ lên trên tấm vải ni lông hoa, ỏn ẻn nói:
- Bẩm ngài đồn trưởng, ngài muốn gì ạ?
- Kem sô đa! Hôm nay có đá không cô em? - Tên đồn trưởng hỏi sau khi đã ra lệnh cho bọn lính được phép ngồi xuống bàn.
- Dạ thưa ngài, Khó mua lắm ạ! Thằng em em nó đi Hải Phòng suốt từ sớm tới giờ chưa lấy được về, các ngài xơi sô đa tạm vậy, có cả bia và nước chanh chai ạ!
- Nóng thế này mà không có đá, chán thật! - Một tên hạ sỹ đứng dậy vừa xốc lại chiếc quần soóc Kaki vừa nói - Cô Mơ này, nếu lần sau cô thấy chiếc xe của quan đồn đi qua thì thế nào cô cũng phải chạy cho bằng được đá nhé! Lúc về, quan đồn bao giờ cũng xuống giải khát ở hàng cô, cô không thấy đó là vinh dự à?
- Dạ em biết. Nhưng quả thật dạo này nóng quá mà đá thì rất hiếm tranh nhau mãi không mua được, quan đồn có cách nào giúp em mua được đá không? Nếu được thì em cảm ơn quan đồn vô cùng ạ!
- Mua đá hộ cô à? - Tên đồn trưởng hỏi rồi phá lên cười, cả bọn thấy hắn cười cũng cười theo. Tên đồn trưởng hỏi tiếp:
- Nếu mua đá hộ cô thì cô em có tính tiền giải khát cho tôi không?
- Dạ, em ủng hộ ạ!
- A! Được rồi, thế thì viết cho cô một cái giấy nhé, nói là mua đá phục vụ quân đội quốc gia. Mỗi ngày một cây đủ chưa?
- Dạ, được hơn thì càng tốt ạ! - Cô chủ quán mừng rỡ tiến đến phía sau tên đồn trưởng, ghé sát mớ tóc đã bôi nước hoa qua vai hắn trong khi hắn đang hí hoáy viết vào tờ giấy đóng dấu sẵn.
- Đây, cho cô em, vừa ý chưa?
Cô hàng nước nhận giấy, liếc mắt đưa tình và cất giọng ỏn ẻn:
- Em xin cảm ơn;
Bỗng tên đồn trưởng túm lấy tay cô kéo sát lại gần rồi nghiêm sắc mặt:
- Cấm cô không được chỉ đường cho Việt Minh đấy!
- Dạ.
- Thấy người lạ mặt lảng vảng đến hàng thì phải theo dõi.
- Vâng ạ!
- Nếu thấy người nào nghi ngờ là du kích thì phải lập tức báo ngay cho lí trưởng để đồn kịp thời cho lính xuống bắt!
- Dạ.
- Nếu gặp khó khăn thì cô chịu khó lên đồn gặp tôi, tôi sẽ giúp đỡ.
- Cảm ơn quan lớn ạ!
Tên đồn trưởng định kéo sát cô chủ quán gần mình nữa nhưng thấy bọn lính đang nhìn, hắn tảng lờ vờ hỏi:
- Những điều tôi dặn cô nghe rõ chứ?
- Dạ, em nghe rõ cả
- Được, thôi ta đi - Hắn ra lệnh cho cả bọn và khệnh khạng bước lên xe, quên trả tiền hơn chục chai nước ngọt.
Xe nổ máy, bọn chúng giơ tay chào cô chủ quán, một tên nói tiếng tây giả cầy:
- Ô rơ voa, ma đờ ma den!
Hai chiếc xe cùng rú ga phóng vun vút trên đường về Đồ Sơn, nhả lại đám bụi mù mịt tỏa vào các hàng quán ở ngã ba, khiến mọi người phải giơ tay lên bịt mũi.
Bọn chúng đi được chừng mười phút thì những người ở ngã ba bỗng nghe thấy tiếng nổ. Một đám khói và bụi bốc cao lên ở phía Đồ Sơn.
Một số người từ các quán hàng đổ xô ra nhìn và reo lên:
- Mìn, bọn chúng vấp phải mìn rồi! Tiếp theo là tiếng súng máy nổ loạn xạ một hồi lâu rồi tiếng động cơ ầm ĩ xa xa.
Từ trên đồn, tên thiếu úy đồn phó sau khi nghe thấy tiếng nổ lớn rất gần, hốt hoảng quay điện thoại gọi ra trạm tiền tiêu hỏi tên hạ sỹ thường trực thì được biết có mìn nổ trên đường quốc lộ. Hắn thất sắc, nghĩ đến khả năng đồn trưởng bị phục kích, hắn vội vàng ra lệnh báo động.
Gần một trăm tên, súng ống đầy đủ nhốn nháo tập trung dưới sân đồn. Tên đồn phó hạ lệnh cho một trung đội lên hai chiếc xe cam nhông, mở máy đi tiếp cứu. Nhưng vừa ra khỏi đồn thì thấy chiếc xe đồn trưởng về tới nơi, bọn chúng đều dừng lại và đoán rằng đã có chuyện chẳng lành. Tên đồn trưởng mặt tái mét từ trên xe bước xuống, theo sau là hai tên cận vệ quần áo tả tơi đầy bụi cùng tên tài xế vừa chết hụt.
- Ông cho ngay quân xuống cây số mười lăm kéo chiếc xe bị mìn cùng xác ba binh sĩ về, đồng thời càn kỹ khu vực quanh cây số mười lăm - Đồn trưởng hạ lệnh cho đồn phó, tên này đang đứng nghiêm trước mặt hắn.
- Bắt cho bằng hết những đứa làm ruộng xung quanh đem về đồn!
- Xin tuân lệnh!
Đồn phó rập gót giầy, giơ tay chào và nhảy vội lên xe phóng thẳng.
Tên đồn trưởng thất thểu bước ngay về buồng riêng, mở quạt máy và cứ để nguyên quần áo bẩn như vậy nằm sõng soài trên giường, mắt trợn tròn vừa sợ hãi vừa giận dữ.
Từ ngày được bổ nhiệm về thay thế tên quan ba Phéc - đi - man đến nay đã gần ba tháng. Cái đất đáng nguyền rủa này lại chính là nơi các quan khách thường lui tới nghỉ mát trong những dịp hè. Tên tỉnh trưởng Kiến An đã chỉ thị cho hắn phải kiện toàn màng lưới bảo vệ khu vực nghỉ mát bất khả xâm phạm này, vì vậy hắn được bổ xung thêm một đại đội bảo an do thiếu úy Toàn chỉ huy. Hôm nay, hắn lên tỉnh để chuẩn bị tiếp nhận và trên đường về bị vấp phải mìn của du kích. Chiếc xe đi đầu nổ tung, thiệt mạng ba tên lính cận vệ. Còn hắn ngồi xe sau nên thoát chết.
Hắn nhớ lại những ngày vẫy vùng chỉ huy bọn phỉ ở vùng biên giới Móng Cái. Đến khi quân Pháp trở lại chiếm đóng, hắn đã đem hơn chục tàn quân, những hảo hán trên mặt biển, đến gặp tên quan năm Sác - lơ Đo xin đầu thú. Cảm động về sự nhiệt thành của hắn, Sác - Lơ Đo đã tiếp nhận và đề nghị với bộ chỉ huy phong cho hắn chức trung úy và cất nhắc lên làm đồn trưởng Móng Cái một thời gian. Vì hắn là người địa phương, lại xuất thân là một tên giặc biển nên nhân dân Móng Cái đều căm ghét hắn vô cùng. Hễ nghe đến Tằng Sáng, đồn trưởng Móng Cái, thì từ đứa trẻ lên ba đến các cụ già đều phải khiếp vía kinh hoàng.
Tằng Sáng khét tiếng tàn ác, uống máu người không tanh, do đó càng được bọn chỉ huy Pháp tin dùng. Tằng Sáng ra sức lập công với quan thầy, hễ cứ sau mỗi trận càn, nếu bắt được người nào bị nghi là du kích, hắn chặt đầu mổ bụng không thương tiếc. Có người hỏi hắn tại sao lại thích hành hình theo kiểu thời trung cổ như vậy; hắn trả lời: "Cho đỡ tốn đạn. Vả lại có thế bọn Việt Minh mới sợ".
Tằng Sáng được chuyền về Đồ Sơn, đồng bào khu vực Đồ Sơn lại phải chịu đựng nhiều thảm họa. Hôm nay du kích Đồ Sơn định bắt hắn trả nợ máu nhưng lại giết hụt. Hắn chưa đến ngày tận số. Hắn đang suy nghĩ để tìm cách báo thù du kích, hắn nôn nóng chờ mong tin tức của bọn đi càn. Liệu có bắt được tên Việt Minh nào không?
Khi đã mệt, hắn gọi lính hầu lấy nước rửa mặt rồi bước ra phòng làm việc, ngồi thừ mặt trông chờ. Bỗng chuông điện thoại réo vang, hắn vội vàng cầm lấy ống nghe. Từ trạm gác tiền tiêu báo tin là đội quân đi càn đã trở về. Tằng Sáng bước vội ra cửa đồn.
Bọn lính do tên đồn phó chỉ huy đang kéo về rầm rập. Tên thiếu úy báo cáo với hắn:
- Báo cáo đồn trưởng chúng tôi đã hoàn thành nghiệm vụ!
Tằng Sáng sốt ruột hỏi:
- Có bắt được tên Việt Minh nào không?
- Dạ, bắt được bốn tên đang bắt cua dưới đồng.
- Dẫn bọn chúng lại đây.
Tằng Sáng hậm hực, không hài lòng khi nhìn thấy ba người đàn bà cùng một em bé trạc mười ba tuổi, quần áo đều rách rưới và mặt mũi lem luốc. Họ lẩy bẩy co dúm lại, mặt mày xanh xám vì quá sợ hãi.
Tằng Sáng hất hàm ra lệnh cộc lốc: "Bắn!"
Lần đầu tiên, những nạn nhân đáng thương được hưởng ân huệ của hắn là không bị chặt đầu, mổ bụng, moi gan, như mọi khi.
Mặt trời đã khuất sau dãy núi, một dải mây đen dài ôm lấy chân trời, một loạt súng nổ vang.... Tằng Sáng không chút động tâm. Hắn bước vội vào phòng làm việc, hạ lệnh cho tên thư ký đánh máy một bản báo cáo như sau để gửi lên cấp trên:
"Kính gửi: Quan tỉnh trưởng Kiến An
Tôi là Tằng Sáng, trung úy phụ trách khu vực Đồ Sơn xin trân trọng báo cáo với ngài tỉnh trưởng mội việc như sau:
Hồi 15h30', chúng tôi từ trên tỉnh về đến cây số mười lăm thì bị Việt Minh phục kích. Chiếc xe đi đầu chở ba binh sĩ bị trúng mìn thiệt hại. Chúng tôi lập tức xuống xe chiến đấu.
Sau 30 phút nổ súng ác liệt, bọn chúng đã phải rút lui, binh sĩ của chúng tôi tiếp tục càn quét và đã bắt sống được bốn tên Việt Minh, đem về đồn tra hỏi, bọn chúng đều ương bướng không chịu khai. Thừa lệnh quan Tỉnh trưởng, chúng tôi đã xử tử hình bọn chúng.
Chiến lợi phẩm thu được gồm một số lựu đạn và một quả mìn chưa nổ, chúng tôi sẽ gửi lên tỉnh sau. Vậy đề nghị quan Tỉnh trưởng ghi vào sổ thành tích chiến đấu của anh em binh sĩ Đồ Sơn.
Kính chào quý ngài.
Đồ Sơn, ngày X tháng Y năm Z
Đồn trưởng kí tên
Tằng Sáng"
Hắn bắt tên thư ký đọc lại cho hắn nghe bản báo cáo trên rồi gật gù với những thành tích giật gân ấy, chắc hẳn phen này cấp trên sẽ gắn thêm cho hắn một chiếc mề đay trong chiến công thật vẻ vang này.
Nguồn dịch Đơn vị tác chiến điện tử ( Comrade Commissar )

HOA HỒNG TRẮNG

Đây là bộ truyện tình báo rất hay của nhà văn Nguyễn Sơn Tùng: Hoa hồng trắng, Miền Đất Lạ, Viên đạn ngược chiều, Một mình nơi đất khách
Chương I: Chiến công của tên đồn trưởng
Mặt trời như trút lửa xuống ruộng đồng, cây cối im lìm, không một làn gió thoảng qua, mặt đường nóng bỏng, vắng bóng người lai vãng, sau vài khóm tre xơ xác tiêu điều, ẩn hiện những mái nhà tranh bạc phếc.
Trên con đường đất từ Kiến An về Đồ Sơn có hai chiếc xe Zeep nhà binh mở hết tốc độ lao vun vút, cuộn lại sau một lớp bụi mờ. Hai chiếc xe chạy đến ngã ba thì dừng lại.
Từ chiếc xe đi trước nhảy xuống ba tên lính đeo súng MAT* mặt mũi đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, một trong ba tên quay lại chiếc xe sau hỏi:
- Ngài đồn trưởng cho chúng tôi giải khát chứ ạ?
Từ chiếc xe sau bốn tên nhảy xuống, bọn chúng cũng ướt đẫm mồ hôi, một tên đeo lon trung úy có bộ mặt lưỡi cày dài ngoẵng, cái sống mũi gồ, cặp mắt xếch và đôi lông mày rậm, hắn khoát tay ra lệnh:
- Vào hàng cô Mơ! - Rồi khệnh khạng tỳ tay phải vào chuôi khẩu côn bát đeo lung lẳng bên cạnh sườn, hắn ngất ngưởng đi vào quán, theo sau là những tên lính tùy tùng.
Trong quán có mấy bà đi buôn, gồng gánh thúng mủng, đang lấy nón ra sức quạt, khi thấy bọn chúng vào vội vàng nem nép dồn vào một góc. Còn cô chủ quán trạc hăm bốn hăm nhăm tuổi, vấn tóc trần, mặc áo phin nõn bó chặt bộ ngực phồng căng, đang vội vã lấy khăn lau sạch chiếc bàn đã được phủ lên trên tấm vải ni lông hoa, ỏn ẻn nói:
- Bẩm ngài đồn trưởng, ngài muốn gì ạ?
- Kem sô đa! Hôm nay có đá không cô em? - Tên đồn trưởng hỏi sau khi đã ra lệnh cho bọn lính được phép ngồi xuống bàn.
- Dạ thưa ngài, Khó mua lắm ạ! Thằng em em nó đi Hải Phòng suốt từ sớm tới giờ chưa lấy được về, các ngài xơi sô đa tạm vậy, có cả bia và nước chanh chai ạ!
- Nóng thế này mà không có đá, chán thật! - Một tên hạ sỹ đứng dậy vừa xốc lại chiếc quần soóc Kaki vừa nói - Cô Mơ này, nếu lần sau cô thấy chiếc xe của quan đồn đi qua thì thế nào cô cũng phải chạy cho bằng được đá nhé! Lúc về, quan đồn bao giờ cũng xuống giải khát ở hàng cô, cô không thấy đó là vinh dự à?
- Dạ em biết. Nhưng quả thật dạo này nóng quá mà đá thì rất hiếm tranh nhau mãi không mua được, quan đồn có cách nào giúp em mua được đá không? Nếu được thì em cảm ơn quan đồn vô cùng ạ!
- Mua đá hộ cô à? - Tên đồn trưởng hỏi rồi phá lên cười, cả bọn thấy hắn cười cũng cười theo. Tên đồn trưởng hỏi tiếp:
- Nếu mua đá hộ cô thì cô em có tính tiền giải khát cho tôi không?
- Dạ, em ủng hộ ạ!
- A! Được rồi, thế thì viết cho cô một cái giấy nhé, nói là mua đá phục vụ quân đội quốc gia. Mỗi ngày một cây đủ chưa?
- Dạ, được hơn thì càng tốt ạ! - Cô chủ quán mừng rỡ tiến đến phía sau tên đồn trưởng, ghé sát mớ tóc đã bôi nước hoa qua vai hắn trong khi hắn đang hí hoáy viết vào tờ giấy đóng dấu sẵn.
- Đây, cho cô em, vừa ý chưa?
Cô hàng nước nhận giấy, liếc mắt đưa tình và cất giọng ỏn ẻn:
- Em xin cảm ơn;
Bỗng tên đồn trưởng túm lấy tay cô kéo sát lại gần rồi nghiêm sắc mặt:
- Cấm cô không được chỉ đường cho Việt Minh đấy!
- Dạ.
- Thấy người lạ mặt lảng vảng đến hàng thì phải theo dõi.
- Vâng ạ!
- Nếu thấy người nào nghi ngờ là du kích thì phải lập tức báo ngay cho lí trưởng để đồn kịp thời cho lính xuống bắt!
- Dạ.
- Nếu gặp khó khăn thì cô chịu khó lên đồn gặp tôi, tôi sẽ giúp đỡ.
- Cảm ơn quan lớn ạ!
Tên đồn trưởng định kéo sát cô chủ quán gần mình nữa nhưng thấy bọn lính đang nhìn, hắn tảng lờ vờ hỏi:
- Những điều tôi dặn cô nghe rõ chứ?
- Dạ, em nghe rõ cả
- Được, thôi ta đi - Hắn ra lệnh cho cả bọn và khệnh khạng bước lên xe, quên trả tiền hơn chục chai nước ngọt.
Xe nổ máy, bọn chúng giơ tay chào cô chủ quán, một tên nói tiếng tây giả cầy:
- Ô rơ voa, ma đờ ma den!
Hai chiếc xe cùng rú ga phóng vun vút trên đường về Đồ Sơn, nhả lại đám bụi mù mịt tỏa vào các hàng quán ở ngã ba, khiến mọi người phải giơ tay lên bịt mũi.
Bọn chúng đi được chừng mười phút thì những người ở ngã ba bỗng nghe thấy tiếng nổ. Một đám khói và bụi bốc cao lên ở phía Đồ Sơn.
Một số người từ các quán hàng đổ xô ra nhìn và reo lên:
- Mìn, bọn chúng vấp phải mìn rồi! Tiếp theo là tiếng súng máy nổ loạn xạ một hồi lâu rồi tiếng động cơ ầm ĩ xa xa.
Từ trên đồn, tên thiếu úy đồn phó sau khi nghe thấy tiếng nổ lớn rất gần, hốt hoảng quay điện thoại gọi ra trạm tiền tiêu hỏi tên hạ sỹ thường trực thì được biết có mìn nổ trên đường quốc lộ. Hắn thất sắc, nghĩ đến khả năng đồn trưởng bị phục kích, hắn vội vàng ra lệnh báo động.
Gần một trăm tên, súng ống đầy đủ nhốn nháo tập trung dưới sân đồn. Tên đồn phó hạ lệnh cho một trung đội lên hai chiếc xe cam nhông, mở máy đi tiếp cứu. Nhưng vừa ra khỏi đồn thì thấy chiếc xe đồn trưởng về tới nơi, bọn chúng đều dừng lại và đoán rằng đã có chuyện chẳng lành. Tên đồn trưởng mặt tái mét từ trên xe bước xuống, theo sau là hai tên cận vệ quần áo tả tơi đầy bụi cùng tên tài xế vừa chết hụt.
- Ông cho ngay quân xuống cây số mười lăm kéo chiếc xe bị mìn cùng xác ba binh sĩ về, đồng thời càn kỹ khu vực quanh cây số mười lăm - Đồn trưởng hạ lệnh cho đồn phó, tên này đang đứng nghiêm trước mặt hắn.
- Bắt cho bằng hết những đứa làm ruộng xung quanh đem về đồn!
- Xin tuân lệnh!
Đồn phó rập gót giầy, giơ tay chào và nhảy vội lên xe phóng thẳng.
Tên đồn trưởng thất thểu bước ngay về buồng riêng, mở quạt máy và cứ để nguyên quần áo bẩn như vậy nằm sõng soài trên giường, mắt trợn tròn vừa sợ hãi vừa giận dữ.
Từ ngày được bổ nhiệm về thay thế tên quan ba Phéc - đi - man đến nay đã gần ba tháng. Cái đất đáng nguyền rủa này lại chính là nơi các quan khách thường lui tới nghỉ mát trong những dịp hè. Tên tỉnh trưởng Kiến An đã chỉ thị cho hắn phải kiện toàn màng lưới bảo vệ khu vực nghỉ mát bất khả xâm phạm này, vì vậy hắn được bổ xung thêm một đại đội bảo an do thiếu úy Toàn chỉ huy. Hôm nay, hắn lên tỉnh để chuẩn bị tiếp nhận và trên đường về bị vấp phải mìn của du kích. Chiếc xe đi đầu nổ tung, thiệt mạng ba tên lính cận vệ. Còn hắn ngồi xe sau nên thoát chết.
Hắn nhớ lại những ngày vẫy vùng chỉ huy bọn phỉ ở vùng biên giới Móng Cái. Đến khi quân Pháp trở lại chiếm đóng, hắn đã đem hơn chục tàn quân, những hảo hán trên mặt biển, đến gặp tên quan năm Sác - lơ Đo xin đầu thú. Cảm động về sự nhiệt thành của hắn, Sác - Lơ Đo đã tiếp nhận và đề nghị với bộ chỉ huy phong cho hắn chức trung úy và cất nhắc lên làm đồn trưởng Móng Cái một thời gian. Vì hắn là người địa phương, lại xuất thân là một tên giặc biển nên nhân dân Móng Cái đều căm ghét hắn vô cùng. Hễ nghe đến Tằng Sáng, đồn trưởng Móng Cái, thì từ đứa trẻ lên ba đến các cụ già đều phải khiếp vía kinh hoàng.
Tằng Sáng khét tiếng tàn ác, uống máu người không tanh, do đó càng được bọn chỉ huy Pháp tin dùng. Tằng Sáng ra sức lập công với quan thầy, hễ cứ sau mỗi trận càn, nếu bắt được người nào bị nghi là du kích, hắn chặt đầu mổ bụng không thương tiếc. Có người hỏi hắn tại sao lại thích hành hình theo kiểu thời trung cổ như vậy; hắn trả lời: "Cho đỡ tốn đạn. Vả lại có thế bọn Việt Minh mới sợ".
Tằng Sáng được chuyền về Đồ Sơn, đồng bào khu vực Đồ Sơn lại phải chịu đựng nhiều thảm họa. Hôm nay du kích Đồ Sơn định bắt hắn trả nợ máu nhưng lại giết hụt. Hắn chưa đến ngày tận số. Hắn đang suy nghĩ để tìm cách báo thù du kích, hắn nôn nóng chờ mong tin tức của bọn đi càn. Liệu có bắt được tên Việt Minh nào không?
Khi đã mệt, hắn gọi lính hầu lấy nước rửa mặt rồi bước ra phòng làm việc, ngồi thừ mặt trông chờ. Bỗng chuông điện thoại réo vang, hắn vội vàng cầm lấy ống nghe. Từ trạm gác tiền tiêu báo tin là đội quân đi càn đã trở về. Tằng Sáng bước vội ra cửa đồn.
Bọn lính do tên đồn phó chỉ huy đang kéo về rầm rập. Tên thiếu úy báo cáo với hắn:
- Báo cáo đồn trưởng chúng tôi đã hoàn thành nghiệm vụ!
Tằng Sáng sốt ruột hỏi:
- Có bắt được tên Việt Minh nào không?
- Dạ, bắt được bốn tên đang bắt cua dưới đồng.
- Dẫn bọn chúng lại đây.
Tằng Sáng hậm hực, không hài lòng khi nhìn thấy ba người đàn bà cùng một em bé trạc mười ba tuổi, quần áo đều rách rưới và mặt mũi lem luốc. Họ lẩy bẩy co dúm lại, mặt mày xanh xám vì quá sợ hãi.
Tằng Sáng hất hàm ra lệnh cộc lốc: "Bắn!"
Lần đầu tiên, những nạn nhân đáng thương được hưởng ân huệ của hắn là không bị chặt đầu, mổ bụng, moi gan, như mọi khi.
Mặt trời đã khuất sau dãy núi, một dải mây đen dài ôm lấy chân trời, một loạt súng nổ vang.... Tằng Sáng không chút động tâm. Hắn bước vội vào phòng làm việc, hạ lệnh cho tên thư ký đánh máy một bản báo cáo như sau để gửi lên cấp trên:
"Kính gửi: Quan tỉnh trưởng Kiến An
Tôi là Tằng Sáng, trung úy phụ trách khu vực Đồ Sơn xin trân trọng báo cáo với ngài tỉnh trưởng mội việc như sau:
Hồi 15h30', chúng tôi từ trên tỉnh về đến cây số mười lăm thì bị Việt Minh phục kích. Chiếc xe đi đầu chở ba binh sĩ bị trúng mìn thiệt hại. Chúng tôi lập tức xuống xe chiến đấu.
Sau 30 phút nổ súng ác liệt, bọn chúng đã phải rút lui, binh sĩ của chúng tôi tiếp tục càn quét và đã bắt sống được bốn tên Việt Minh, đem về đồn tra hỏi, bọn chúng đều ương bướng không chịu khai. Thừa lệnh quan Tỉnh trưởng, chúng tôi đã xử tử hình bọn chúng.
Chiến lợi phẩm thu được gồm một số lựu đạn và một quả mìn chưa nổ, chúng tôi sẽ gửi lên tỉnh sau. Vậy đề nghị quan Tỉnh trưởng ghi vào sổ thành tích chiến đấu của anh em binh sĩ Đồ Sơn.
Kính chào quý ngài.
Đồ Sơn, ngày X tháng Y năm Z
Đồn trưởng kí tên
Tằng Sáng"
Hắn bắt tên thư ký đọc lại cho hắn nghe bản báo cáo trên rồi gật gù với những thành tích giật gân ấy, chắc hẳn phen này cấp trên sẽ gắn thêm cho hắn một chiếc mề đay trong chiến công thật vẻ vang này.
Chương 1
Nguồn dịch Đơn vị tác chiến điện tử ( Comrade Commissar )

Menu - Site map - Mục Lục

1.Điêu khắc
2.Hội họa
3.Âm nhạc
4.Múa
5.Văn chương
6.Sân khấu
7.Điện ảnh